Việt Nam thiếu nấm xuất khẩu?

Nội dung chính

Giá nấm xuất khẩu năm sau thường tăng hơn năm trước. Đây là một động lực để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ sản xuất nấm, sớm đưa Việt Nam phát triển ngành nấm mạnh mẽ và bền vững, phục vụ xuất khẩu.

Tiềm năng nấm xuất khẩu của Việt Nam

Giữa năm 2012, Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT cho biết ở mỗi tỉnh thành phía Nam đều có vài chục cơ sở sản xuất nấm nhưng khó mà mua được lượng lớn khoảng vài tấn một ngày, đồng thời phục vụ xuất khẩu trong thời gian dài.

Khi đó, có nhiều nhà nhập khẩu tìm đến Việt Nam để mua nấm nhưng do thiếu nguồn nguyên liệu cung cấp dài hạn nên có công ty chỉ đáp ứng được 30% đơn hàng.

Tiếp đó, tại diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề ‘Đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu’, ông Lê Minh Hoan khi đó là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã dẫn quyển sách với tựa đề ‘Nền Kinh tế Xanh lam’ cho biết, chỉ riêng với ngành nấm đã mang lại cho Trung Quốc 17 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm và tạo ra 10 triệu việc làm cho lao động nông thôn. Trong khi đó, toàn bộ kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt khoảng 44 tỷ USD.

Nhưng ông Hoan cũng nhận định, để biến nấm trở thành ngành kinh tế không đơn giản, “họ (Trung Quốc) đã phải hình thành viện nghiên cứu và rất nhiều thứ khác chứ không phải trồng rồi đem ra chợ bán là có ngay được 17 tỷ USD mỗi năm”.

Cục Trồng trọt còn cho biết, do thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu với số lượng lớn và cả nước chưa có một nhà máy chế biến nấm đạt tiêu chuẩn nên mức xuất khẩu nấm của Việt Nam vẫn còn thấp nếu so sánh với Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong khi đó, giá xuất khẩu các loại nấm năm sau tăng hơn năm trước, một động lực để các doanh nghiệp đầu tư, sớm đưa Việt Nam phát triển ngành công nghiệp sản xuất nấm phục vụ xuất khẩu mạnh mẽ và bền vững.

Đẩy mạnh công nghệ sản xuất theo quy mô công nghiệp

Được mệnh danh là “vua của các loài rau”, nấm tươi đang dần quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của người Việt. Và Chính phủ cũng đã đưa nấm vào danh mục sản phẩm quốc gia, đưa nghề trồng và chế biến nấm trở thành một ngành trọng điểm, giúp tạo việc làm ổn định, bền vững cho nông dân.

Theo Bộ Khoa học & Công nghệ, nhờ các tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến mà năng suất nấm tăng gấp 1,5 – 3 lần so với trước.

Những năm gần đây, sản lượng nấm tươi hàng năm của cả nước đạt khoảng 370.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 25 – 30 triệu USD/năm.

viet nam thieu nam xuat khau hinh anh

Hiện đã có những công ty Việt Nam như Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ cao Bắc Âu (sở hữu nhà máy sản xuất nuôi trồng nấm công nghệ cao đặt tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã làm chủ được công nghệ nhân giống, trồng nấm đối với các loại nấm chủ lực như nấm Kim châm, nấm Đùi gà… với công suất mỗi tháng khoảng 30-40 tấn nấm.

Nhà máy nấm của chúng tôi nuôi nấm lạnh, nấm sinh học cho nên không phụ thuộc vào tình hình thời tiết khí hậu. Như ở Việt Nam thì hay có bão có gió do là vùng nhiệt đới cho nên chúng tôi đầu tư cái này thấy rất là đúng hướng, an tâm có thể cung cấp được nguồn nấm ổn định”, ông Lê Dưỡng – Giám đốc Điều hành Nấm Bắc Âu cho biết.

The đó, Nấm Bắc Âu đã đầu tư hẳn một phòng thí nghiệm nuôi trồng giống cấp 1, nuôi cấy mô, chính là nơi có thể tạo ra được rất là nhiều loại giống cho tất cả các loại nấm.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nấm hiện chủ yếu tập trung vào trồng và chế biến nấm dạng đơn giản, đa số còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa rõ nét và không ổn định, sản xuất chủ yếu là thủ công dẫn tới năng suất lao động thấp.

Sản phẩm tiêu thụ lại chủ yếu là dạng tươi hoặc sơ chế đơn giản nên chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và đầu ra khối lượng lớn, khả năng xây dựng chuỗi giá trị thấp nên không phù hợp với mô hình sản xuất công nghiệp.

Mở rộng thị trường cho sản phẩm từ nấm

Việt Nam có điều kiện thời tiết cho phép trồng nấm quanh năm trên các địa bàn với các chủng nấm khác nhau: Ưa nhiệt, ưa mát, ưa lạnh…

Nguồn nguyên liệu trồng nấm sẵn có cũng rất phong phú như cùi bắp, mùn cưa, bã mía, rơm, thân cây gỗ… Sản lượng nguyên liệu này có thể lên đến 40 triệu tấn và nếu chỉ sử dụng khoảng 10 – 15% số đó để trồng nấm thì đã tạo ra 1 triệu tấn nấm/năm và hàng trăm nghìn tấn phân hữu cơ.

Và trên thực tế, việc phát triển nghề trồng và nấm đã giúp nhiều hộ nông dân cải thiện thu nhập do giá trị kinh tế mang lại từ cây nấm cao gấp nhiều lần so với một số cây nông sản khác. Nhờ đó, góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.

viet nam thieu nam xuat khau hinh anh

Việc ứng dụng công nghệ chế biến nấm sẽ đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa, hiện đại hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và bảo đảm cung cấp nguồn nấm ăn ổn định cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Từ chỗ chỉ cung ứng nấm tươi, hiện nay những đơn vị như Công ty Thực phẩm Công nghệ cao Bắc Âu đã có khả năng và kế hoạch chế biến nhiều sản phẩm từ nấm.

Theo đó, nấm đạt các kích cỡ chuẩn được Nấm Bắc Âu đóng gói bán cho siêu thị và xuất khẩu. Còn lại sẽ được đem chế biến sâu như làm pate nấm, kim chi nấm và nấm đóng lon, đóng bịch phục vụ cho nhu cầu về bữa ăn sẵn. Phần phụ phẩm còn lại nữa sẽ được chế biến thành phân hữu cơ.

Với những doanh nghiệp đầu tư công nghệ như Nấm Bắc Âu, hy vọng trong một tương lai không xa, thị trường nấm của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng, giá trị gia tăng được nâng cao. Bởi khoa học công nghệ thực sự là động lực và nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội mà nòng cốt là các doanh nghiệp.

A.Thư

Thấy hay thì Share bạn nhé:

Facebook
Twitter
LinkedIn

Các bài viết khác